STLN16: LÀM MÓNG, CÔNG TRÌNH NGẦM VÀ CÁC HẠNG MỤC TRONG MÓNG

 Xin chào bà con, đây là bài số 16 trong series "Sổ tay xây nhà và Giám sát từ A-Z dành cho chủ nhà".

Nếu đây là lần đầu tiên bà con biết đến "Sổ tay làm nhà từ A-Z", thì hãy xem từ bài số 1 nhé: Cách xác định nhu cầu cụ thể trước khi làm nhà.

Cái cây quan trọng nhất ở bộ Rễ, ngôi nhà quan trọng nhất là ở Phần móng. Do đó, bà con hãy xem thật kỹ bài số 16 này để nắm được kinh nghiệm Giám sát, và kiểm tra Phần Móng, khi thợ thi công bà con nhé.



I. THI CÔNG PHẦN MÓNG

1. Giới thiệu các loại móng nhà dân thông dụng:

- Móng đơn (móng cốc): dùng cho nhà ống nhỏ từ 1 - 2 tầng, với nền đất tốt và ổn định

- Móng băng: dùng cho nhà ống, nhà vườn nhỏ với quy mô khoảng 3 tầng, với nền đất tốt và ổn định.

- Móng bè: dùng cho nhà ống, nhà dân dụng với quy mô <7 tầng

- Móng cọc: dùng cho nhà ống và nhà dân dụng với quy mô lớn và nền đất yếu.

2. Quy trình thi công Móng cọc:

Bà con lưu ý, mỗi loại móng sẽ có 1 thiết kế quy cách, kết cấu khác nhau, bà con cần tham khảo tư vấn của Đơn vị Thiết kế hoặc Thi công kỹ càng trước khi đi vào xây dựng bà con nhé.

Tất cả các loại móng thì đều cần phải Đào hố móng, tuy nhiên riêng loại móng Ép cọc thì cần phải thi công phần ép cọc trước bà con nhé. Do đó, trong nội dung bài này, tôi sẽ lấy loại Móng ép cọc để viết chi tiết quy trình cho bà con theo dõi quá trình thi công và tự kiểm tra Giám sát bà con nhé.

Bước 1: Chuẩn bị

- Lựa chọn và kiểm tra kỹ chất lượng cọc

- Định vị và giác móng

- Xác định chính xác vị trí các cọc cần ép (nhiều Thợ rất qua loa trong bước này, không đọc kỹ bản vẽ thiết kế, do đó ép lệch và sai tâm hết các cọc).

- Nếu đất lún thì phải nhắc thợ dùng gỗ chèn lót xuống trước để đảm bảo chân đế ổn định và mặt phẳng ngang trong suốt quá trình ép cọc bà con nhé.

Bước 2: Thi công ép cọc:

- Ép đoạn cọc đầu tiên C1, điều chỉnh trục cọc thằng đứng (độ sai lệch tâm không quá 1cm). Nếu phát hiện thấy nghiêng phải dừng lại căn chỉnh ngay.

- Khi cọc C1 xuống độ sâu theo yêu cầu thì tiến hành lắp nối và ép các đoạn cọc trung gian C2. Lưu ý cần kiểm tra kỹ lưỡng bề mặt 2 đầu cọc thật phẳng, chi tiết các mối nối đoạn cọc, căn chỉnh để trục của C2 trùng với trục C1 (độ nghiêng sai lệch không quá 1%). Trước khi hàn phải kiểm tra độ thắng đứng của cọc bằng Ni vô.

- Lưu ý:

  + Bề mặt bê tông ở 2 đầu cọc nối phải tiếp xúc khít với nhau, trường hợp tiếp xúc không khít phải có biện pháp làm khít.

  + Kích thước đường hàn phải đảm bảo

  + Đường hàn nối các đoạn cọc phải có đều trên cả 4 mặt của cọc

- Cọc được công nhận là ép xong khi thỏa mãn hai điều kiện sau:

  + Chiều dài cọc được ép sâu trong lòng đất không nhỏ hơn chiều dài cọc theo yêu cầu của Gia chủ.

  + Cọc không được nghiêng quá quy định (lớn hơn 1%), cọc ép dở dang do gặp dị vật ổ cát, vỉa sét cứng bất thường, cọc bị vỡ... Tất cả những trường hợp này đều phải xử lý bằng cách nhổ lên ép lạo hoặc ép bổ sung cọc mới theo chỉ định phù hợp.

  + Khi lực ép vừa đạt trị số thiết kế mà cọc không xuống được nữa. Trong khi đó lực ép tác động lên cọc tiếp tục tăng vượt quá lực ép lớn nhất (Pep)max. Thì trước khi dừng ép phải dùng van giữ lực duy trì (Pep)max trong thời gian 5 phút.

  + Trường hợp máy ép không có van giữ lực thì phải ép nháy từ ba đến năm lần với lực ép (Pep)max.

  + Sai số cho phép: tại vị trí cao đáy đài đầu cọc không được sai số quá 75mm so với vị trí thiết kế, độ nghiêng của cọc không quá 1%.

- Khóa đầu cọc:

  + Thời điểm khóa đầu cọc có thể từng phần hoặc đồng loạt do thiết kế quy định.

  + Mục đích khóa đầu cọc để: huy động cọc vào làm việc ở thời điểm thích hợp trong quá trình tăng tải của công trình và đảm bảo cho công trình không chịu những độ lún lớn hoặc bị lún không đều.

  + Bê tông khóa đầu cọc phải có mác không nhỏ hơn mác bê tông của đài móng.

>>>Đăng ký Tư vấn Thiết kế TẠI ĐÂY

Bước 3: Thi công đài móng và dầm móng:

- Định vị vị trí và cao độ móng

- Đào và chỉnh sửa lớp đất nền và đầm chặt bằng đàm bàn.

- Ghép coppha bê tông lót

- Đổ bê tông lót dầm và đài móng

- Xây thành đài và dầm móng (hoặc ghép coppha).

- Lấp đất tận dụng sàn đền cao độ thiết kế.

- Lắp đặt cốt thép móng, dầm móng, sàn, cổ cột và thép vách (nếu có hầm). Theo bản vẽ Thiết kế.

- Đổ bê tông móng, dầm móng...

- Bảo dưỡng bê tông

- Lưu ý:

  + Không được nối thép tại các vị trí chịu lực lớn và những vị trí uốn cong. Những vị trí chịu lực lớn (ví dụ các vị trí như thép giữa nhịp - thép dưới; thép gối - thép trên) là những vị trí phải chịu lực lớn nhất trong dầm nên không được thực hiện nối thép tại những vị trí này để tránh việc bị tuột mối nối rất nguy hiểm.

  + Ván khuôn phải kín để không bị chảy nước xi măng trong quá trình đổ bê tông và đầm lèn.

  + Ván khuôn phải đúng hình dáng và kích thước

  + Cây chống phải đảm bảo mật độ, chân đế bằng gỗ phải được cố định chắc chắn, tránh xê dịch trong quá trình thi công.

  + Lót bạt ván khuông để tránh mất nước xi măng

  + Đổ bê tông móng theo nguyên tắc đổ ở vị trí xa trước, phía gần sau. 

  + Trước khi đổ bê tông Gia chủ cần kiểm tra ván khuôn, cốt thép, hệ thống sàn. Làm sạch hệ thống sàn, cốp pha, cốt thép. Yêu cầu thợ sửa chữa ngay các khuyết điểm nếu có.

  + Tưới nước ván khuôn, hệ thống sàn trước khi đổ để tránh tình trạng hút nước bê tông.

  + Lưu ý sau khi đổ bê tông khoảng 3 đến 5 tiếng se bề mặt, nếu trời nắng cần có biện pháp che chắn, có thể sử dụng bạt, và tưới nước bảo dưỡng liên tục, để đảm bảo bê tông tiếp tục thủy hóa và đông kết.

>>>Ngắm các mẫu Nhà đẹp TẠI ĐÂY

II. THI CÔNG PHẦN CÔNG TRÌNH NGẦM

Các công trình ngầm như bể nước và bể phốt được đào song song hoặc sau quá trình làm móng. Kích thước, thể tích, vị trí của Bể nước, bể phốt cần bám sát theo bản vẽ thiết kế hoặc theo tư vấn của Đơn vị Thiết kế Thi công.

1. Bể nước:

Bể nước sinh hoạt trong gia đình thông thường chỉ cần làm dung tích từ 3-5 khối, tùy theo số lượng người ở trong nhà.

a) Một số loại bể nước thông dụng:

- Bể nước ngầm xây bằng gạch

- Bể nước ngầm đổ bằng bê tông

- Bể nước ngầm inox mua sẵn

- Bể nước ngầm nhựa mua sẵn

Trong đó, bể xây bằng gạch là thông dụng và rẻ nhất trong các loại. Tuy nhiên, khi làm bể bằng gạch cần chú ý nên xây tường đôi gạch đặc và ốp gạch bên trong, chống thấm bên ngoài thật cẩn thận. Tránh nước trong bể sau này bị rò rỉ.

b) Thi công bể nước ngầm bằng gạch:

- Xác định vị trí, kích thước, độ sâu bể theo bản vẽ Thiết kế

- Đào đất, nạo vét đất tạo thành phần khung của bể nước. Lưu ý phần khung phải rộng hơn kích thước bể để dễ dàng xây dựng.

- Đổ bê tông đáy bể và Xây bể bằng gạch đặc theo như bản thiết kế.

- Lắp đặt hệ thống cấp thoát nước chờ bao gồm: lỗ thông hơi, bơm nước, lỗ báo tràn...

- Chống thấm trong và ngoài bể

- Tiến hành thử bể để kiểm tra chất lượng,  nếu bị ngấm phải sửa chữa, xử lý ngay lập tức. Nếu không bị ngấm, hay rò rỉ thì tiến hành vệ sinh bể, sau đó phải đậy nắp, tránh để đất cát, bụi bẩn vào, vì bể ngầm khó thau.

c) Một số chú ý Gia chủ cần giám sát:

- Gạch để xây bể nên dùng loại gạch đặc M75, xây tường đôi. Khi tiến hành xây, gạch phải được ngâm nước cẩn thận. Mạch vữa nối gạch phải đầy và chắc chắn, đảm bảo độ kết dính cao, không được hở và lọt khí. 

- Nắp bể đổ bằng bê tông cốt thép, có kích thước lớn hơn hoặc bằng tiêu chuẩn 500x500mm. Thông thường kích thước viên gạch bây giờ là 600x600, bà con nên làm bằng kích thước viên gạch là đẹp nhất.

- Khi trát đáy chú ý chát láng bề mặt dốc về phía rốn bể kích thước tối thiểu 250x250mm.

- Không nên xây bể nước ngầm gần bể phốt, tránh tình trạng bể phốt nếu làm không tốt có thể bị rò, ngấm sang bể nước.

2. Bể phốt (bể tự hoại):

Bể phốt gia đình thông thường chỉ cần làm dung tích từ 4-6 khối, tùy theo số lượng người sinh hoạt trong gia đình.

a) Một số loại bể phốt thông dụng:

- Bể phốt xây bằng gạch

- Bể phốt đổ bê tông

- Bể phốt nhựa

- Bể phốt inox

- Bể phốt composite

b) Thi công bể phốt gạch xây 3 ngăn:

- Xác định vị trí xây bể phốt theo đúng bản vẽ thiết kế.

- Đào đất, nạo vét đất tạo thành phần khung của bể phốt. Lưu ý phần khung phải rộng hơn kích thước bể để dễ dàng xây dựng.

- Đổ bê tông đáy bể và Xây bể bằng gạch đặc theo như bản thiết kế.

- Đổ nắp hầm cầu bằng bê tông cốt thép; chiều dày không nhỏ hơn 7cm.

- Lắp đặt đường ống trong bể theo thiết kế, thông thường như sau:

  + Ống xả chất thải vào bể: đặt càng cao càng tốt, tốt nhất nên gần tấm đan và cao hơn mặt nước ít nhất 200mm; Độ dốc hoàn hảo là 1/50 cho đô dài ống 1000mm, đường kính 90mm.

  + Ống thông ngăn: đường kính tối thiểu 110mm hoặc lỗ thông 200x200mm

  + Ống thông hơi: tối ưu 27mm đặt hướng lên trời, cao hơn mái nhà tối thiểu 0,7m

  + Ống thoát nước thải: đường kính 110mm, cách 200mm so với nắp bể.

- Chống thấm trong và ngoài bể phốt

- Tiến hành thử bể, kiểm tra chất lượng.

c) Một số chú ý Gia chủ cần giám sát:

- Xây bằng gach đặc

- Bê tông cốt thép đáy bể dày tối thiểu 15cm

- Xây tường bao là tường 20, tường ngăn là tường 10 cho bể.

- Bể phốt nên đặt gần nhà vệ sinh, công trình phụ, để tiện đi đường ống thoát.

- Nắp bể phốt nên đặt ở vị trí dễ dàng tháo lắp khi cần hút bể.

>>>Xem tiếp: STLN bài 17: Điện nước

>>>Xem thêm: Những rủi ro và lãng phí bà con thường mắc phải khi làm nhà lần đầu

Nếu ngại đọc bà con có thể xem video Sổ tay làm nhà 16 trên kênh youtube của chúng tôi sau đây:

STLN16: LÀM MÓNG, CÔNG TRÌNH NGẦM VÀ CÁC HẠNG MỤC TRONG MÓNG STLN16: LÀM MÓNG, CÔNG TRÌNH NGẦM VÀ CÁC HẠNG MỤC TRONG MÓNG Reviewed by kdt1811 on 6/04/2021 03:04:00 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.