TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

Đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý, là cơ sở để pháp luật có thể bảo vệ quyền lợi ích và cũng như chính là sự ràng buộc về nghĩa vụ của 2 bên nam, nữ trong mối quan hệ hôn nhân. Việc kết hôn giữa hai bên nam, nữ không có yếu tố nước ngoài sẽ thực hiện ra sao? Cách đăng ký kết hôn như thế nào? Hiện nay pháp luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới. Để được đăng ký kết hôn nam, nữ cần đáp ứng những điều kiện sau:

Điều kiện đăng ký kết hôn:

– Về độ tuổi kết hôn: Nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi
– Ý chí các bên: Kết hôn dựa trên sự tự nguyện của cả hai bên nam, nữ không được bên nào được ép buộc hay lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân của họ.
– Nam, nữ kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự
– Không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn tại điểm a, b, c, d khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân gia đình.
Hướng dẫn thủ tục làm giấy đăng ký kết hôn:

Bước 1: Hai bên nam, nữ thực hiện nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã nơi một trong 2 bên đăng ký kết hôn đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Hồ sơ đăng ký kết hôn gồm có những giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký kết hôn (Theo mẫu tại thông tư 15/2015/TT-BTP)
– Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân
– Sổ hộ khẩu của hai bên nam, nữ
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu đăng ký kết hôn khác Ủy ban nhân dân xã thường trú)

Bước 2: Giải quyết hồ sơ:
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch xem xét nếu như đủ điều kiện kết hôn thì công chức tư pháp ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, cùng hai bên nam nữ ký vào sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cũng cùng ký vào giấy đăng ký kết hôn. Thời hạn giải quyết không quá 5 ngày làm việc nếu cần phải xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam nữ.
-----------------------------------------------------------
Một số câu hỏi thường gặp khi làm giấy kết hôn?

Cô dâu phải mang theo cùng khi đăng ký kết hôn hay được phát?

Việc hôn nhân trên cơ sở tự nguyện, do vậy bạn phải tìm cô dâu trước khi tiến hành đăng ký kết hôn. UBND xã, phường không phát cô dâu cho bạn đâu nhé!

Đăng ký kết hôn cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Khi đăng ký kết hôn, đầu tiên các bạn cần chuẩn bị cô dâu và chú rể của mình. Một trong hai bên sẽ xin giấy xác nhận độc thân trước khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn (đăng ký kết hôn tại địa phương của chồng thì vợ xin xác nhận độc thân và ngược lại). Ngoài ra cần chuẩn bị thêm:
– Giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu của cả hai bên)
– Sổ hộ khẩu của hai bên

Đăng ký kết hôn có cần chọn ngày, xem ngày không?

Theo quy định pháp luật thì việc đăng ký kết hôn không cần chọn ngày, xem ngày, tuy nhiên theo phong tục của Việt Nam thì hai gia đình thường xem ngày để việc kết hôn may mắn hơn.

Kết hôn lại lần 2 có cần bản án ly hôn của toà?

Theo quy định về việc đăng ký kết hôn thì không yêu cầu bản án ly hôn của toà trước đó. Tuy nhiên tại thủ tục xin xác nhận độc thân thì trong trường hợp đã ly hôn phải có trích lục bản án ly hôn của toà. Do vậy, nếu trường hợp kết hôn lần 2 sẽ yêu cầu trích lục bản án ly hôn để xin xác nhận độc thân – một tài liệu cần thiết để tiến hành đăng ký kết hôn.

Trường hợp đã mất bản án thì có thể làm thủ tục trích sao bản án tại toà án nơi xét xử vì đây là quyền của đương sự theo khoản 21 điều 70 bộ luật tố tụng dân sự 2015 “Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án“. Do việc trích lục bản án không phải là thủ tục hành chính nên việc xin trích lục dựa trên đơn yêu cầu của đương sự. Trong đơn yêu cầu phải ghi rõ thông tin cá nhân của người xin trích lục, vai trò trong bản án, quyết định và số bản án, quyết định. Hồ sơ nộp tại TAND nơi xét xử kèm theo bản sao y chứng thực giấy tờ cá nhân của người xin trích lục. Thời hạn giải quyết không có quy định tuy nhiên trên thực tế thời hạn giải quyết thường là 7 ngày.

Thời gian có giấy kết hôn?

Sau khi làm thủ tục đăng ký kết hôn thường thì phía UBND xã, phường sẽ cấp ngay giấy kết hôn. Tuy nhiên, một số trường hợp cần xác minh thì thời gian có giấy kết hôn tầm 3 – 5 ngày
Thủ tục đăng ký kết hôn tại TPHCM, Hà Nội

Đối với các trường hợp đăng ký kết hôn tại TPHCM hoặc Hà Nội thì một trong hai bên vợ, chồng phải có thường trú hoặc tạm trú tại hai thành phố này.

Thủ tục đăng ký kết hôn khác tỉnh (ngoại tỉnh)?
Khi đăng ký kết hôn khác tỉnh (ngoại tỉnh) thì phải có tạm trú của vợ hoặc chồng. Khi đó cả hai vợ, chồng đều phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân trước khi tiến hành đăng ký kết hôn.

Xử phạt khi đăng ký kết hôn muộn?

Hiện tại, pháp luật không quy định về thời gian bắt buộc phải đăng ký kết hôn do vậy hai bên có thể đăng ký kết hôn trước hoặc sau khi về chung sống với nhau. Tuy nhiên, nếu không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng và có thể vi phạm về quy định một vợ, một chồng nếu quan hệ như vợ chồng với người đã có đăng ký kết hôn.

Đăng ký kết hôn với người làm trong ngành công an?


Việc đăng ký kết hôn với công an thực hiện theo các thủ tục và điều kiện thông thường do luật định, tuy nhiên phải dáp ứng điều kiện xác minh lý lịch 3 đời theo tiêu chuẩn của ngành.

Luật kết hôn mới nhất là luật nào?

Hiện tại, các vấn đề liên quan tới thủ tục đăng ký kết hôn, ly hôn là luật hôn nhân gia đình 2014.



TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN Reviewed by kdt1811 on 6/07/2020 11:06:00 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.